Trong Luật Hôn nhân Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 chế độ tài sản chung của vợ chồng được quy định tại Điều 28, vợ chồng có thể lựa chọn áp dụng chế độ tài sản pháp định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận. Về nguyên tắc khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay có rất nhiều cặp vợ chồng có nhu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân xuất phát từ nhiều lý do khác nhau.
Trong quá trình chung sống vợ chồng luôn tham gia vào các giao dịch dân sự, thương mại khác nhau để phát triển kinh tế gia đình, đảm bảo các nhu cầu về vật chất cũng như tinh thần của 2 gia đình. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay thì nhu cầu kinh doanh của các cá nhân trong xã hội là rất cao. Với mục đích để sản xuất kinh doanh riêng không ít các cặp vợ chồng đã thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
Bài viết của Luật sư ly hôn về thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân dưới đây, sẽ cung cấp cho Quý khách hàng những thông tin cần thiết về chế độ chia tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

1. Xác định tài sản chung của vợ chồng
Căn cứ xác lập tài sản chung của vợ chồng, trước hết phải dựa trên cơ sở “thời kỳ hôn nhân của vợ chồng”. Toàn bộ tài sản do vợ chồng cùng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân được coi thuộc khối tài sản chung của vợ chồng trừ tường hợp vợ chồng thực hiện phân chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại điều 40 Luật Hôn nhân Gia đình (HNGĐ) năm 2014.
Việc xác định tài sản chung dựa vào nguồn gốc tài sản: Tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hôn nhân. Đây là tài sản chủ yếu, quan trọng trong khối tài sản chung của vợ chồng. Tài sản do vợ chồng tạo ra có thể là tài sản tự tay vợ hoặc chồng tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu của gia đình, thể hiện dưới dạng vật chất nhất định.
Tài sản chung của vợ chồng do thoả thuận trong thời kỳ hôn nhân: Quy định này thể hiện sự tự định đoạt của vợ chồng đối với tài sản là sở hữu riêng của vợ chồng. Nếu có sự mập mờ, chưa rõ ràng về tính chất chung hay riêng của một tài sản nào đó. Mà vợ chồng đều thống nhất là tài sản chung loại này cũng có từ việc vợ chồng sáp nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
Tài sản chung do áp dụng nguyên tắc uy đoán: Trong quá trình chung sống tài sản chung, tài sản riêng có thể lẫn lộn nhau là điều không thể tranh khỏi. Do vậy, khi có mâu thuẫn xảy ra, tranh chấp trong xác định tài sản chung của vợ, chồng là rất lớn.
2. Nguyên tắc thực hiện thoả thuận tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia như sau:
- Vợ, chồng tự thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung;
- Vợ, chồng yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo đó, thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Thời điểm có hiệu lực của thoả thuận phân chia tài sản tỏng thời kỳ hôn nhân
Quyền và nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Theo quy định tại Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc chia tài sản cung trong thời kỳ hôn nhân được xác định theo từng trường hợp như sau:
- Thứ nhất, thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
- Thứ hai, trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
- Thứ ba, trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Trừ trường hợp hai vợ chồng có thỏa thuận khác, về nguyên tắc quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý.
4. Hậu quả pháp lý của thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
4. 1 Về nhân thân
Sau khi phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, quan hệ vợ chồng vẫn tồn tại. Dù vợ chồng sống chung hay ở riêng cũng không làm hạn chế các quyền nhân thân giữa vợ, chồng cũng như quan hệ hôn nhân vẫn chưa chấm dứt nên vợ chồng vẫn có quyền hạn và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình.
Việc phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm thay đổi quan hệ giữa cha mẹ và con, không làm thay đổi mối quan hệ nhân thân giữa các thành viên trong gia đình nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ thì nó cũng có thể làm thay đổi một số quan hệ nhân thân trong gia đình như vợ chồng ly hôn, lẩn tránh trách nhiệm nuôi dưỡng con cái.
4.2 Về tài sản
Thứ nhất, tài sản chung của vợ chồng vẫn tồn tại khi quan hệ hôn nhân còn tồn tại, chỉ khi quan hệ hôn nhân chấm dứt thì chế độ tài sản mới kết thúc. Khi quan hệ hôn nhân còn tồn tại thì khối tài sản đó còn tiếp tục phát sinh và thay đổi. Do đó, ngay cả trong trường hợp vợ chồng phân chia toàn bộ tài sản chung thì cũng không làm thay đổi chế độ tài sản trong tương lai.
Thứ hai, kể từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng.
Thứ ba, từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
5. Thoả thuận chia tài sản chung trong thời lỳ hôn nhân bị vô hiệu
Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Việc chia tài sản chung của vợ chồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ:
- Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
- Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
- Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tố chức;
- Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước;
- Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật nầy, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trên đây là các ý kiến tư vấn của Luật sư ly hôn liên quan đến thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Nếu Quý khách hàng có thắc mắc, vui lòng liên hệ cho Chúng Tôi qua:
Số điện thoại: 0931 992 221
Website: luatsulyhon.vn
Email: luatsugioidanang@gmail.com